Phản vật chất là một loại vũ khí chết người, rất mạnh và không thể ngăn cản, tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì chưa có công nghệ để biến phản vật chất thành vũ khí.
Mô phỏng vụ nổ bom phản vật chất. Đồ họa: Keson |
Trong tiểu thuyết "Thiên thần và Ác quỷ" của Dan Brown, một quả bom chỉ chứa một phần tư gam phản vật chất đe dọa xóa sổ cả Tòa thánh Vatican. Tuy nhiên, theo Rolf Landua, một nhà vật lý tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN) thì viễn cảnh đó không thể thành hiện thực trong tương lai gần.
"Tổng khối lượng phản vật chất chúng tôi làm ra trong 30 năm tại CERN là khoảng 10 phần tỷ gam. Vụ nổ do nó gây ra trên đầu ngón tay bạn không nguy hiểm hơn việc bật một que diêm", ông nói.
Phản vật chất được cấu tạo từ những phản hạt cơ bản như phản hạt electron, phản hạt nơtron,... Theo lý thuyết, nếu phản vật chất gặp vật chất thì sẽ nổ tung, giải phóng năng lượng cực lớn. Năm 2002, CERN lần đầu tiên tạo ra phản nguyên tử hydro từ phản proton và positron trong môi trường nhiệt độ sát điểm 0 tuyệt đối (-273 độ C). Ở nhiệt độ cao, các phản nguyên tử sẽ kết hợp với các nguyên tử của môi trường và biến mất ngay lập tức.
Ngay cả khi các nhà vật lý tạo ra đủ phản vật chất để chế tạo một quả bom, chi phí cũng sẽ vô cùng lớn.
"Một gam phản vật chất có thể có giá lên tới một triệu tỷ USD", theo Landua. Thời gian cũng là một vấn đề lớn. Theo Frank Close, một nhà vật lý hạt thuộc Đại học Oxford, cần tới 10 tỷ năm để tạo ra đủ lượng phản vật chất cho quả bom mà Dan Brown đề cập.
"Chỉ có một cách chế tạo bom phản vật chất, đó là tìm ra lượng phản vật chất mà tự nhiên đã tạo ra trong 15 tỷ năm qua. Nếu không, với tiến độ mỗi lần tạo ra một nguyên tử phản vật chất, năng lượng tiêu tốn sẽ lớn gấp hàng tỷ lần năng lượng thu được", Landua nói.
Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu cách sử dụng phản vật chất cho mục đích hòa bình. Năm 2007, lần đầu tiên các phân tử được tạo thành bởi nhiều nguyên tử positronium (nguyên tử cấu tạo từ một electron và một positron) được tạo ra thành công, bởi hai nhà vật lý David Cassidy và Allen Mills, Đại học California. Positronium sẽ rất nhanh chóng tự triệt tiêu, biến thành tia gamma năng lượng cao. Do đó, nếu có nhiều positronium, có thể tạo ra một chùm laser gamma công suất vô cùng lớn, sử dụng để chụp ảnh các vật thể nhỏ cỡ hạt nhân nguyên tử hoặc kích hoạt lò phản ứng nhiệt hạch.
Nguyễn Thành Minh