Ngày 9/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Ứng dụng Airocide - công nghệ của Cục hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm”. Hội thảo nhằm kết nối các đơn vị, doanh nghiệp khu vực phía Nam hợp tác, tư vấn và ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản và thực phẩm.
Bảo quản dâu tây bằng công nghệ Airocide tại Lang Biang - Đà Lạt
Thiết bị Airocide được sáng chế bởi NASA, sử dụng công nghệ diệt khuẩn kép PCO với chất xúc tác TiO2 và bước sóng tối ưu 254nm, giúp loại bỏ gần như 100% các loại virus và nấm mốc, kéo dài thời gian bảo quản nông sản và thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Akida Holdings LLC (Mỹ) cho biết, công nghệ Airocide được thương mại hóa từ 12 năm trước. Hiện nhiều công ty, tập đoàn trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống... trên thế giới đang sử dụng công nghệ này và mang lại những lợi ích thiết thực cho các đơn vị.
Ông Phạm Ngọc Minh, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việt Nam là nước nông nghiệp với sản lượng rất lớn các loại nông sản được sản xuất và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc, virus phát triển. Điều này khiến việc bảo quản nông sản, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, gây hư hỏng, thất thoát, làm thiệt hại về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ công tác bảo quản nông sản, thực phẩm luôn là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Tại hội thảo, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty Akida Holdings LLC (Mỹ), Công ty cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ đã ký thỏa thuận triển khai Chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp khi ứng dụng thiết bị Airocide sẽ được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư công nghệ thiết bị này; hỗ trợ tư vấn công nghệ bảo quản và quá trình sản xuất nông sản; đồng thời đối tác nước ngoài sẽ hỗ trợ đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế với các công nghệ đang sử dụng tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Theo Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ: Tại Việt Nam, thiết bị Airocide đã được khảo nghiệm thực tế tại một số đơn vị như phòng bảo quản khoai lang tím Vĩnh Long tại Viện Nghiên cứu Rau quả - Hà Nội, bảo quản dâu tây tại Lang Biang - Đà Lạt, Trung tâm Công nghệ Sinh học - Viện Di truyền nông nghiệp.../.
Theo TTXVN