Cách trung tâm TP HCM khoảng 40km, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP HCM) là nơi sở hữu một hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.
Được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – sông Sài Gòn, tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển này là 75.740 ha, trong đó vùng lõi là 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha, và vùng chuyển tiếp 29.880 ha.
Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn.
Hệ thực vật nơi đây đặc biệt phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.
Các loài cây chiếm ưu thế ở đây là bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi - bần trắng cùng xu ổi, trang, đưng v.v... và các loại nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng, v.v...
Đa phần các loài cây này sở hữu những bộ rễ lớn tua tủa nổi trên mặt nước, tạo nên cảnh tượng độc đáo đặc trưng của vùng rừng ngập mặn.
Quần thể động vật trong rừng Cần Giờ cũng không kém phầm phong phú, trong số đó nổi bật là đàn khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) cùng nhiều loài chim, cò.
Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.
Khu rừng này cũng có vai trò của "lá phổi", đồng thời là "quả thận" có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai - Sài Gòn đổ ra biển Ðông.
Ngày 21/01/ 2000, rừng Cần Giờ đã được Chương trình Con người và Sinh Quyển - MAB của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Từng bị tàn phá nặng nề trong thời kỳ chiến tranh, sự khôi phục, phát triển và bảo vệ khu rừng này ghi nhận sự đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên xung phong TP HCM và nhân dân Cần Giờ.