Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam vừa yêu cầu tỉnh Quảng Nam gấp rút lập hồ sơ khoa học về vùng hạ lưu sông Thu Bồn để đệ trình lên UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu vực này bao gồm: Quần thể khu đô thị cổ Hội An, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Hạ lưu sông Thu Bồn (Ảnh: VNN) |
Vùng hạ lưu sông Thu Bồn Quảng Nam là hợp lưu của các con sông lớn nhỏ trên địa bàn nối từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đổ ra cửa biển, gồm các sông Đế Võng, Trường Giang và Thu Bồn.
Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho biết, vùng hạ lưu sông Thu Bồn là nơi có khí hậu, môi trường tốt cho các loại sinh vật nước ngọt, nước mặn và cả sinh vật trên cạn sinh sống, sinh sôi nảy nở và phát triển.
Bên cạnh đó, quần thể kiến trúc của đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới từ năm 1999.
Nhiều nhà khoa học khẳng định, cả quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An và vùng hạ lưu sông Thu Bồn không thể tách rời nhau mà trở thành một khối thống nhất với thế sông, thế đất và là nơi hội tụ theo quan niệm của người xưa là một quần thể với nhiều hội tụ như: "Hội thuỷ, hội nhân, hội văn hoá".
Còn quần đảo Cù Lao Chàm được các nhà địa chất khẳng định: là một phần kiến tạo kéo dài về phía Đông Nam của khối đá granít chạy dọc từ Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà, hình thành cách đây hơn 230 triệu năm. Qua biến động của tự nhiên, khối đá granít đã tạo những hang động, cùng với bãi biển hình thành những cảnh đẹp thơ mộng.
Bình minh Cù lao chàm (Ảnh: VNN) |
Cũng tại quần đảo này có gần 5.200 ha mặt nước, trong đó có 165 ha là rạn san hô và 500 ha thảm cỏ biển; 135 loài san hô thuộc 35 giống, trong đó có 6 loài được ghi nhận lần đầu tiên xuất hiện tại vùng biển Việt Nam.
Các nhà khoa học cũng đã xác định được 202 loài cá thuộc 85 giống, 36 họ, 4 loài tôm hùm và 84 loài nhuyễn thể đang sống tại đây, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Nghiên cứu khảo cổ học cũng cho thấy cư dân cổ đã sinh sống ở đây cách nay hơn 3.000 năm. Cù Lao Chàm còn là một điểm của "con đường tơ lụa" trên biển ở khu vực Trung Cận Đông cùng hàng chục ngàn hiện vật, di chỉ thuộc các hệ văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt đã được các nhà khảo cổ phát hiện.
Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tập trung hoàn thành sớm hồ sơ để đệ trình Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO sớm xem xét công nhận.
Vũ Trung