Hổ phách (Amber): Nhờ dáng vẻ hấp dẫn và sự xuất hiện rộng rãi, hổ phách trở thành một trong những vật liệu quý từ trong mờ đến chắn sáng phổ thông nhất. Chúng chủ yếu có các màu cam, vàng và nâu, ngoài ra chúng cũng có màu trắng, đỏ và đôi khi là màu xanh dương hiếm do phát huỳnh quang.
Hổ phách hình thành do nhựa cây lâu năm bị hóa thạch. Vật liệu quý có độ bóng của nhựa. Đá có mặt nứt trôn ốc, ánh từ sáp đến nhựa. Chiết suất hổ phách bằng chiết suất nhựa cây là 1,54. Hổ phách chứa các tạp chất như dòng chảy của nhựa, bọt khí, xác các côn trùng (hình 1) và mẫu thực vật được bảo tồn – hai nhóm tạp chất sau được các nhà khoa học và sưu tập đánh giá cao nhất.
| |
Hình 1: Hai hình trên là các bao thể phổ biến trong hổ phách tự nhiên, bên trái là các bọt khí, bên phải là xác một con côn trùng. Tuy nhiên trong plastic giả hổ phách cũng có thể có các bao thể này. Hình của John Koivula.
|
Hổ phách đôi khi được nhuộm màu khác nhau hoặc được nung nhiệt để màu đậm hơn. Xử lý nung nhiệt hổ phách ngâm trong dầu giúp làm trong hổ phách đục (hổ phách có mây). Hổ phách xử lý nhiệt có thể có xuất hiện các bao thể dạng mặt nứt hình đĩa sáng, có người còn gọi các mặt nứt này là đĩa mặt trời do có sự lóe sáng (hình 2).
|
Hình 2: Các bao thể dạng đĩa lóe sáng là bằng chứng của xử lý nhiệt để làm tăng độ trong của hổ phách. Hình của Nicholas Delre.
|
Copal: Copal thực tế là hổ phách “non”, thành phần vật chất của nó thì giống hổ phách nhưng tuổi thì trẻ hơn rất nhiều. Giống như hổ phách, copal cũng từ trong mờ đến trong suốt, có màu cam, vàng và nâu (hình 3). Chiết suất đơn của nó là 1,54 và phản ứng khúc xạ kép bất thường mạnh là các đặc tính nhận diện. Cũng giống như hổ phách, nó cũng biểu hiện những phản ứng do biến dạng. Bề mặt của nó thường bị rạn.
|
Hình 3: Copal nhìn rất giống hổ phách. Xác định copal bằng cách thử phản ứng với axêton. Hình của Maha Calderon.
|
Copal phân biệt với hổ phách bằng cách nhỏ một giọt axêton lên một điểm trên mặt vùng phụ (để không làm hỏng mặt chính). Hóa chất sẽ làm mềm copal từ 2 đến 3 giây, còn hổ phách thì không phản ứng hoặc rất nhẹ. Đây là phương pháp làm hỏng mẫu, trước khi thử phải xin phép chủ nhân. Phương pháp điểm nóng cũng hữu dụng để xác định copal vì nó cũng tiết ra mùi thơm nhựa cây khi tiếp xúc nhiệt.
Plastic: Có nhiều loại vật liệu nhân tạo thay thế hổ phách làm từ plastic (nhựa tổng hợp), nhưng cũng có nhiều cách để phân biệt chúng với vật liệu tự nhiên. Plastic thường có đủ các màu để giả hổ phách tự nhiên. Chúng thường trong suốt và có bọt khí, tuy nhiên cũng có loại giả rất giống hổ phách vì trong khi sản xuất, người ta bỏ thêm các con côn trùng vào trong plastic (hình 4).
|
Hình 4: Plastic giả rất giống hổ phách khi có thêm các bao thể là xác các côn trùng. Hình của Maha Calderon.
|
Có thể dễ dàng phân biệt hổ phách với plastic nhờ mùi thơm nhựa cây mạnh của hổ phách, khác hẳn với mùi khét của plastic khi thử bằng cách nung nhẹ hoặc cho đầu nhỏ của que nung nóng tiếp xúc chúng (gọi là phương pháp điểm nóng).
Tuy nhiên phải cẩn thận khi dùng những phương pháp này vì nhiệt tiếp xúc quá cao hay quá lâu sẽ phá hủy mẫu.
Hổ phách có tỷ trọng là 1,13, đặc biệt nổi trên dung dịch nước muối bão hòa, còn plastic thường chìm xuống vì tỷ trọng lớn hơn. Hổ phách thường phát huỳnh quang màu lục phớt vàng dưới cả hai tia cực tím sóng dài và sóng ngắn; plastic thì hiếm khi phát quang màu như thế. Hổ phách chỉ có một chiết suất, nhưng khi quan sát dưới ánh sáng phân cực thì thấy chúng có khúc xạ kép bất thường mạnh và có màu do biến dạng, dù biến dạng cũng có thể tạo nên những hiệu ứng khác.
Đặc biệt, sự biến dạng thường hiện diện xung quanh các bao thể, còn ở plastic thì xung quanh các bao thể giả thường không có biến dạng.
Đầu tháng 7, GĐRV SJC có nhận giám định một khối nhỏ vật liệu trong suốt màu vàng cam khoảng hơn 1 tấc dài, chủ hàng gọi nó là hổ phách tự nhiên.
Qua kiểm tra, khối này có các đặc điểm giống hổ phách là màu sắc, độ trong, cũng biểu hiện màu biến dạng dưới ánh sáng phân cực và không phản ứng với axêton. Tuy nhiên một số đặc điểm chứng tỏ nó không phải là hổ phách. Tỷ trọng của nó 1,24 thì nặng hơn hổ phách tự nhiên. Đá chỉ có các bọt khí mà không có các bao thể tự nhiên. Khi chiếu tia cực tím, nó phát huỳnh quang màu xanh phấn trắng rất mạnh, khác hẳn hổ phách. Thử bằng phương pháp điểm nóng, nó phát ra mùi khét của nhựa tổng hợp. Khối vật liệu này có nhiều khe nứt lớn, mặt nứt còn dính chất tẩm màu cam. Kết luận, đó là khối plastic màu vàng được tẩm màu cam để làm giả hổ phách (hình 5).
| |
Hình 5: Hình trên cùng là khối nhỏ plastic giả hổ phách thấy màu vàng cam. Hình dưới, phóng đại thấy màu plastic là vàng, còn màu cam là do tẩm vào các khe nứt. Hình của GĐRV SJC.
|
Ambroid: Các nhà sản xuất cũng tạo ra các khối lớn hổ phách bằng cách dùng lực và nhiệt ép các mảnh nhỏ dính vào nhau. Vật liệu mới có thể gọi bằng một trong các tên như ambroid (hổ phách tổng hợp), hổ phách ép, hổ phách liên kết hoặc hổ phách tái sắp xếp. Dưới kính phóng đại, ambroid cho thấy độ sạch thay đổi tại ranh giới các mảnh nhỏ hoặc các bọt khí kéo dài hay biến dạng tạo ra do quá trình sản xuất.
Hổ phách là loại đá dễ bị làm giả, khi mua bán nên xem xét kỹ để tránh bị nhầm.