Dù TPP có được thông qua hay không thì Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục quá trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và thực thi cũng như tiếp tục đàm phán các hiệp định khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vấn đề tương lai của Hiệp định TPP đang được quan tâm trong bối cảnh ông D.Trump vừa đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tờ Wall Street Journal hôm 10/11 dẫn lời các trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông D.Trump cho biết trong 100 ngày đầu tiên kể từ sau nhậm chức, chính quyền của Tổng thống đắc cử sẽ xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và rút việc thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam có quan điểm, chính sách nhất quán trong việc hội nhập chủ động, sâu rộng với thế giới. TPP chỉ là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh TPP, Việt Nam có rất nhiều hiệp định khác đã và đang được ký kết.
“Còn rất sớm để đoán định tương lai của TPP, nhưng cho dù trong trường hợp nào, chúng ta cũng luôn sẵn sàng vì hội nhập không chỉ phụ thuộc vào TPP mà nó là yêu cầu, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển”, Bộ trưởng nói.
“Nếu TPP tiếp tục triển khai thuận lợi thì chắc chắn cơ hội cho nền kinh tế chúng ta, các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh như dệt may, thủy sản, da giày sẽ có điều kiện thuận lợi… Nhưng nếu không thì chúng ta vẫn có các thị trường trên thế giới, các ngành kinh tế này vẫn có sự cạnh tranh”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Tại hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam năm 2016 diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam quyết định tham gia thương lượng và ký kết Hiệp định TPP với mong muốn thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa các nước trong khu vực Thái Bình Dương, mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên TPP.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nước, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ sớm phê chuẩn TPP, đồng thời khẳng định Việt Nam đang trong quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định này.
Nếu được thông qua, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích chung cho các nước thành viên, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nếu không được thông qua, đương nhiên thiệt hại thuộc về các nước thành viên, bởi các nước đều đã dành nhiều công sức, nhiều thời gian để xây dựng một Hiệp định tiêu chuẩn cao này.
“Nhưng với Việt Nam, chúng ta còn có các hiệp định thương mại khác (FTA) với các đối tác khác như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á – Âu,… Việt Nam cũng đang cùng với các nước ASEAN thảo luận hiệp định RCEP. Trong APEC cũng đang khởi động đàm phán FTA khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết đến nay Việt Nam có 10 FTA đã đi vào hiệu lực, có một FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và đang đàm phán các FTA khác nữa. TPP chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu, nên khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam cũng như các thành viên khác.
Tuy nhiên, TPP mang tính dài hạn, mặc dù tất cả các nước mong đợi sớm hoàn tất TPP, nhưng nếu hiệp định này chưa được phê chuẩn cũng sẽ không làm thay đổi chính sách kinh tế hội nhập của Việt Nam.
Quan điểm trên đây của các nhà hoạch định chính sách cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kết quả chạy đua vào Nhà Trắng sẽ tác động tới kinh tế thế giới. Riêng với Việt Nam, vấn đề cần quan tâm nhất chính là khả năng rút khỏi TPP của Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Long thì trong xu thế toàn cầu hóa, không thể có một quốc gia nào có thể đứng một mình được. “Việt Nam phải chuẩn bị phương án tốt nhất để đối phó với các tình huống xấu chứ không phải hoàn toàn lệ thuộc vào chuyện đó”, ông Long đưa quan điểm.
Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng việc TPP có được tiếp tục hay không còn phải chờ diễn biến về sau vì có thể cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục vận động để Hiệp định này được phê chuẩn.
Trong một diễn biến liên quan, Hạ viện Nhật Bản hôm 10/11 đã thông qua Hiệp định TPP, bất chấp triển vọng phê chuẩn TPP tại Mỹ giảm dần sau chiến thắng của ông Donald Trump.
Sau khi được chấp thuận tại Hạ viện, TPP sẽ tự động có hiệu lực sau 30 ngày, kể cả nếu Thượng viện không bỏ phiếu thông qua