Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và đất phương Nam
23:14
14 minute read
0
Tượng chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở Bảo tàng Quảng Trị
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
và đất phương Nam
TÔN THẤT THỌ
NVTPHCM- Lịch sử dân tộc Việt Nam thường có những bước ngoặc tạo nên những trang sử mới 450 năm trước, câu nói đầy ẩn dụ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) nói với chúa Nguyễn Hoàng (1542- 1613) sau khi người anh ruột của chúa là Nguyễn Uông đã bị anh rể Trịnh Kiểm giết chết: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân".
Câu nói như là một dẫn dắt, liên quan đến cả vận mệnh dân tộc. Sự tranh giành quyền lực của họ Trịnh đã tạo nên một biến động lớn để đưa chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa (1558), đến nơi "ô châu ác địa", chúa dã thực sự tự nguyện đi đày. "Ở nơi ấy, Nguyễn Hoàng không thể tranh chấp quyền hành với mình"; nghĩ như thế nên Trịnh Kiểm đã đồng ý để vua Lê cử ngài đi ngay. Và cũng nhờ thế, từ thời điểm đó, lịch sử Việt Nam đã mở ra một trang sử mới cho sự phát triển Tổ quốc: đất nước đã được mở rộng về tận phương Nam!
Được lệnh vào Nam năm Mậu Ngọ (1558), bất chấp cả thời tiết mùa đông giá rét, ngài giong buồm đi ngay. Hàng ngàn đồng hương và nghĩa dũng ở Tống Sơn Thanh Hóa theo ngài rất đông. Khi đoàn thuyền đi qua Thanh Nghệ Tĩnh, nhiều người hưởng ứng đem cả vợ con theo. Các danh thần cùng đi có Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống...
Chúa Nguyễn Hoàng thực sự là người có tài đức, chỉ với tư cách là người trấn thủ, nhưng ngài còn là một vị tướng mưu lược, đồng thời cũng là một vị lãnh đạo khôn ngoan, lại có lòng nhân đức, thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng và chăm lo phát triển kinh tế trong vùng mình trấn nhậm, nên dân chúng Thuận Hóa rất cảm mến, họ đã gọi ngài là Chúa Tiên, mặc dù đương thời ngài chỉ có chức Đoan Quốc công. Ngài đã nhẫn nhịn để chờ thời cơ, không manh động với địch thủ đã giết người thân của mình, lập chí lớn, gây dựng cơ nghiệp lâu dài để lại cho con cháu mai sau.
Lịch sử đã có lần coi ngài như một Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người sáng lập ra nhà Hậu Kim, tiền thân của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc sống cùng thời với ngài.
Cũng nhờ tài năng đặc biệt đó, năm 1569 khi ra chầu vua Lê, ngài được giao trấn thủ luôn đất Quảng Nam. Ảnh hưởng chính trị của ngài lan rộng đến tận Đồng Xuân, Tuy Hòa.
Năm Quý Tỵ (1593), ngài đem quân ra Đông Đô yết kiến vua Lê. Vua an ủi rằng: "Ông trấn thủ hai xứ, dân nhờ được yên, công ấy rất lớn" (ĐNTL, trang 33).
Lần ra Bắc này, ngài đã giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Trong suốt 8 năm, vì lập được nhiều chiến công nên ngài lại bị Trịnh Tùng lo ngại, nảy ý hãm hại, nên năm Canh Tý (1600) một lần nữa, ngài đã giong buồm chạy thẳng ra khơi, để lại con trai thứ năm là Hải và cháu là Hắc ở lại làm con tin, còn ngài một mình trốn vàoThuận Hóa tìm đường sống. Từ đó, ngài vượt đèo Hải Vân vào Quảng Nam, xây Trấn Dinh ở Cần Húc (Duy Xuyên), cử con trai thứ sáu vào trấn nhậm Quảng Nam là nơi đất tốt, dân đông, sản vật giàu có.
Thế lực của ngài ở phía Nam được xác lập khi Khám lý phủ Hoài Nhơn (Bình Định) Trần Đức Hoa (thuộc một gia đình có thế lực lớn nhiều đời, ông nội, cha, và bản thân vốn là bề tôi của nhà Lê) đến yết kiến. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn (1726- 1784) - nhà bác học thời Lê mạt, đã viết về xứ Thuận Quảng đưới sự cai quản của ngài (trong năm 1572) như sau:
"Đoan Quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quan dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế mà để giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ..." (Phủ biên tạp lục, NXB Khoa Học, 1964, trang 42).
Năm Giáp Thìn (1604), ngài chia đặt lại các đơn vị hành chánh thuộc xứ Thuận Hóa, đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình (ngày nay là nửa phía bắc tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình); lấy huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong (phần còn lại ngày nay là nửa phía nam tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) đổi làm phủ Điện Bàn, Quảng Nam, đổi phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi; đổi phủ Thăng Hoa làm phủ Thăng Bình, trong phủ này, huyện Lê Giang đổi làm huyện Lễ Dương, Hy Giang làm huyện Duy Xuyên; phủ Hoài Nhơn như cũ.
Thuận Quảng vốn là đất cũ của Chiêm Thành, vùng đất này chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Chăm-pa, ngài đã lấy giáo lý Phật giáo để thuần hóa, thuần tính nhân dân dưới quyền. Ngài đã cho sửa sang và xây dựng nhiều ngôi chùa: năm 1602 cho sửa chùa Thuần Hóa ở xã Triêm Ân (huyện Phú Vang); dựng chùa Long Hưng (phía đông Trấn Dinh (huyện Duy Xuyên). Năm 1607 dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu. Năm 1609 dựng chùa Kính Thiên ở Quảng Bình.
Nhưng công việc có giá trị nhất là xây dựng chùa Thiên Mụ (1601) tại Thuận Hóa. Ngôi chùa lịch sử đã có mối quan hệ rất mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hóa và triều Nguyễn của nước ta.
Sách Đại Nam thực lục chép: "Năm Tân Sửu 1601, bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thể núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà) giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thể hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng. Tục truyền rằng, xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng: "sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch"; nói xong bà già biến mất. Bấy giờ nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ...."
Chúa Nguyễn Hoàng trên đường mở đất phương Nam - tranh minh hoạ
Ngoài việc chăm lo cho đời sống nhân dân trong xứ, chúa Nguyễn Hoàng đã tổ chức được một đội quân hùng mạnh, đủ sức bảo vệ vùng đất mới, nhất là đội thủy binh, như vào năm Kỷ Mùi (1559), khi mới "định cư "chưa tròn 1 năm, tàu Tây Ban Nha đã đến gây rối vùng biển nước ta, chúng đã bị lực lượng phòng thủ vùng biển của ta cảnh cáo. Theo tài liệu "Thủy quân Việt Nam ngày xưa" của Lê Tiến Công (đăng trên website Viethoc) ghi lại: "... Mờ sáng ngày 3/9/1559 quân Tây Ban Nha thấy cả một rừng lưỡi giáo tua tủa quanh các núi dọc nơi đậu thuyền, đồng thời có nhiều chiếc thuyền mang chất cháy đi hàng ba nhằm thẳng tàu Tây Ban Nha tiến tới; cùng lúc đó, pháo từ các đồn lũy trên bờ phát hỏa. Cảm thấy bị phục kích và tấn công, hạm thuyền Tây Ban Nha vội bỏ chạy và nhờ trận gió Tây, quân Tây Ban Nha mới thoát nạn ...".
Vào năm Ất Dậu (1585), thuyền Tây phương lại đến quấy nhiễu, Sách Đại Nam Thực Lục chép: "Năm Ất Dậu (1585), bấy giờ có giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý đi 5 chiếc thuyền lớn đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 19 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, Hiển Quý sợ chạy. Chúa cả mừng nói rằng:"Con ta thực là anh kiệt" và thưởng cho rất hậu. Từ đó, giặc biến im hơi...".
Năm Tân Hợi (1611), quân Chiêm Thành vượt đèo Cù Mông xâm phạm biên giới, ngài sai người đem quân đánh đuổi và lấy đất đặt thêm phủ Phú Yên, mở rộng xứ Quảng Nam đến đèo Cả.
Một trong những lĩnh vực được chúa quan tâm đó là thương mại, chỉ trong vòng mấy thập niên, ngài đã biến đổi Đằng Trong trở nên một xứ giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập của mình đối với phía Bắc và mở rộng về phía Nam. Ngoại thương là một yếu tố quyết định cho sự phồn vinh đó. Trước khi Nguyễn Hoang vào trấn Thuận Hóa, ở Đàng Trong việc buôn bán phần lớn nằm trong tay người dân, phủ chúa ít khi can thiệp. Có thể nói rằng, vùng Thuận Hóa sau khi được chúa Nguyễn Hoàng an định, đã trở thành vùng đất sống cho hàng ngàn người dân trải dài từ Thăng Long đến Thanh Hóa, họ là nạn nhân của những năm mất mùa đói kém và chiến tranh thảm khốc giữa nhà Lê và nhà Mạc. Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong, tác giả Ly Tana - một nhà Việt Nam học đã cho biết: "Việc người Việt Nam di dân xuống phía Nam thường vẫn được giải thích là do áp lực dân số trên một vùng đất nông nghiệp có giới hạn. và những nguyên nhân trực tiếp đẩy một số đông dân đi về phía Nam lại là đói kém và chiến tranh...." "... Hai thời kỳ thảm khốc diễn ra vào giữa thế kỷ 16 (và 18) là nguyên nhân chính của việc gia tăng số người tỵ nạn. Thời kỳ thứ nhất xảy ra vào nửa sau thế kỷ 16. Trong Toàn thư, các năm 1561, 1570, 1671, 1572, 1586, 1588, 1569, 1592, 1594, 1595, 1596, 1597 và 1608 đều nhấn mạnh đến số người tỵ nạn. Chẳng hạn vào năm 1572, chúng ta thấy ghi: "Nghệ An năm đó không thu được hạt thóc nào... lại bị bệnh dịch, chết đến quá nửa. Nhân dân nhiều người xiêu giạt hoặc tản đi miền Nam hoặc giạt về Đông Bắc.
Vào năm 1594: Bấy giờ các huyện ở Hải Dương nhân dân mất mùa to, đói kém đến ăn thịt lẫn nhau, chết đói đến một phần ba. Đây có lẽ là thời kỳ thảm họa dài nhất trong lịch sử Việt Nam với một cuộc nội chiến dữ dội kéo dài mấy thập niên. Với 14 năm mất mùa trong vòng 48 năm. Trong lịch sử Việt Nam trước đó không hề thấy nhắc đến một cách liên tục con số đông đảo dân tỵ nạn trong một thời gian 6ngắn như vậy. Trong thực tê, chữ phiêu tán rất ít dùng trong chính sử Việt Nam..." "... Ngược lại, vùng Thuận Hóa được xem là tương đối yên tĩnh. Nhà Mạc tuy có tìm cách tấn công Thuận Hóa vào năm 1571, nhưng họ đã bị Nguyễn Hoàng đánh bại. Cả Toàn Thư và Tiền Biên đều nói rằng vùng đất này "dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán. Thuận Hóa dĩ nhiên trở thành nơi trú ẩn của dân tỵ nạn từ phía Bắc. Tiền Biên ghi nhận có hai làn sóng tỵ nạn đổ về Thuận Hóa vào các năm 1559 và 1608. Toàn Thư cũng thường nói đến việc người dân trốn khỏi quê vào thời kỳ này để "hoặc đi vào Nam hoặc đi về phía Đông Bắc". cả hai vùng này đều là những vùng thưa dân. Một làn sóng di dân vĩ đại của người Việt Nam đã diễn ra vào cuối thế kỷ 16. Về phương diện lịch sử, nó có thể sánh với cuộc di dân của người Trung Hoa, tuy với tỷ lệ nhỏ hơn, từ phía Bắc tới đồng bằng sông Dương Tử dưới thời Đông Tấn (thế kỷ thứ 4 sau CN). Trước thời kỳ này, số người Việt Nam di dân xuống phía nam không nhiều, có vẻ lác đác. Nhưng bây giờ động cơ thúc đẩy họ di dân trở nên mạnh hơn và mục dích của họ cũng rõ ràng hơn. Nếu Thuận Hóa6 trước đây xem ra còn là một vùng đất đầy bất trắc, bấp bênh về một số lĩnh vực thì việc Nguyễn Hoàng thiết lập chính qu6yền ở đây được coi như là việc tái khẳng định quyền của người Việt Nam được định cư ở vùng đất này và vì thế là một khuyến khích lớn đối với việc di dân..." (Trong Xứ Đàng Trong, Li Tana, tr 37, 38). Với sự mở đầu ra đi của chúa Nguyễn Hoàng, và kế tục là các đời chúa con cháu của ngài, đất nước đã tiếp thụ một nguồn của cải mới, đó là cả một vùng đất phía Nam giàu có, là các cuộc giao thương cường thịnh với các trung tâm thương mại mới: Hội An; Nông Nại Đại Phố, Gia Định, Bến Nghé, Hà Tiên...; là các tri thức mới khi tiếp cận ở nhiều dân tộc phương Nam hay đến từ phương Nam. Nhờ vào luồng của cải mới được tìm thấy ấy, nước ta đã trở nên cường thịnh nhất sau mấy trăm năm suy sụp. Ở đây, một lần nửa, cần khẳng định lại vai trò của chúa Nguyễn Hoàng - người đã dấn thân khởi nghiệp để từ đó, tìm ra những luồng của cải mới cho đất nước.
Tất cả cuộc đời của ngài đã hy sinh cho sự nghiệp xứ Đàng Trong, gia đình của ngài đã gặp nhiều cảnh phân ly; hai người con thứ 7 và thứ 8 can tội loạn quốc chánh, bị tước tông tịch, con cháu của họ phải đổi ra họ Nguyễn Thuận. Để lấy lòng tin của chúa Trịnh, ngài đã phải để người con thứ 5 và các cháu nội ở lại trên đất Bắc, con cháu của họ lại phải đổi tên thành họ Nguyễn Hựu.
Năm 1613, biết mình không thể sống lâu hơn, ngài cho triệu công tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên đang làm trấn thủ Quảng Nam ra. Ngài bảo các cận thần rằng: "Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp". Cầm tay hoàng tử thứ sáu, ngài dặn bảo rằng: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Con phải giữ được lời dặn đó thì ta không ân hạn gì'. Lại nói: "Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẳn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh chống chọi với Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta" (Đại Nam thực lục, T1, NXB Thuận Hóa, 2007, trang 37).
Một Quận công, lãnh Tổng trấn khi phát hiện ra cơ hội đã nuôi chí tổ chức để mở rộng lãnh thổ đến thế là cùng...
Kiến%20thức%20chứng%20khoán
Chia sẻ với ứng dụng khác