“… Mặc dù việc giành lại Hoàng Sa là rất khó khăn, hiện nay người duy nhất có thể làm cho chúng ta mất chủ quyền là chính chúng ta”. Tiếp tục chuyên đề 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu Biển Đông sống tại Anh.
Bãi Xà Cừ (phải) trong nhóm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa - Ảnh Google Maps
|
Cần loại bỏ những quan niệm lệch lạc và hão huyền
Cho tới nay Trung Quốc đã chiếm đóng nhóm An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 60 năm, và đã đánh chiếm nhóm Lưỡi Liềm (còn gọi Nguyệt Thiềm), tức là đã xâm lăng toàn bộ Hoàng Sa, 40 năm.
Có quan niệm cho rằng bị một nước mạnh hơn chiếm đoạt lãnh thổ, nhất là sau bấy nhiêu năm, thì coi như là đã mất chủ quyền, chúng ta hãy chấp nhận và quên đi. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà một trong những niềm tự hào đáng kể nhất chúng ta có là tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, thì quan niệm đó có sai sót. Nếu so sánh với các dân tộc khác thì cũng khó tự hào về quan niệm đó. Thí dụ, người Tây Ban Nha sau nhiều thế kỷ vẫn đòi chủ quyền đối với Gibraltar, người Argentina sau vài thế kỷ vẫn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Falklands/Malvinas. Không những thế, quan niệm đó là không phù hợp với thế giới hiện đại hay với việc Hiến chương Liên Hiệp Quốc không cho phép thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng bạo lực. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng bạo lực, theo luật quốc tế thì chủ quyền vẫn thuộc về Việt Nam trừ phi chúng ta bị cho là đã bỏ rơi chủ quyền đó.
Ngược lại, cũng có quan niệm cho rằng tới ngày nào Trung Quốc bị loạn lạc thì chúng ta sẽ đánh chiếm lại Hoàng Sa. Thứ nhất, quan niệm đó là hoang tưởng. Không biết tới ngày nào thì Trung Quốc mới loạn lạc đủ để cho chúng ta có thể chiếm lại và giữ Hoàng Sa. Thứ nhì, tư duy “chờ sung rụng” đó chỉ làm cho chúng ta thụ động thêm, với hệ quả là Hoàng Sa ngày càng xa thêm.
Chúng ta cũng phải biết rõ về những khó khăn thực tế trong việc giành lại Hoàng Sa. Giải pháp quân sự là không thể, giả sử như nếu có thể thì chắc chắn sẽ là rất đắt, và đó là chưa nói đến trên nguyên tắc thì sẽ không phù hợp với thế giới văn minh. Trong tương lai có thể thấy được, giải pháp ngoại giao song phương với Trung Quốc cho Hoàng Sa chỉ là hy vọng hão huyền.
Dựa vào chính mình
Giải pháp ngoại giao đa phương cho Hoàng Sa cũng vô cùng khó khăn. Trong khi thế giới có thể phê phán Trung Quốc về chủ trương hiện thực hóa đường chữ U trên Biển Đông, và trong khi một số nước trong khu vực có thể phản đối các động thái của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, thì đối với Hoàng Sa chủ yếu là Việt Nam sẽ đơn độc trong cuộc đối kháng với Trung Quốc. Trong tranh chấp đảo, các nước bên thứ ba thường không quan tâm về lý lẽ chủ quyền của các bên trong tranh chấp, và thường chọn vị trí trung lập. Vì vậy, không có nước bên thứ ba nào lên án việc Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực. Trung Quốc cũng không bị nước bên thứ ba nào lên án khi họ tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam từ năm 2009 nhằm đẩy các ngư dân này ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Trong tương lai, khi Trung Quốc xây cất thêm trên đảo và khai thác khoáng sản trong vùng biển Hoàng Sa, khả năng là Việt Nam sẽ đơn độc trong phản đối. Không những thế, không loại bỏ được khả năng trong tương lai các nước ASEAN khác sẽ gây áp lực đòi Việt Nam rút vấn đề Hoàng Sa xuống khỏi bàn nghị sự, để cho ASEAN có thể đi đến thỏa thuận nào đó với Trung Quốc về những tranh chấp khác.
Vì Trung Quốc không chấp nhận để cho bất cứ tòa án quốc tế nào phân xử tranh chấp Hoàng Sa, hiện nay cũng không có điều kiện cho giải pháp pháp lý.
Tóm lại, chúng ta không thể nào dựa vào niềm tin Trung Quốc sẽ đàm phán về Hoàng Sa và sẽ có nhượng bộ, và cũng không thể dựa vào niềm tin các nước khác sẽ hỗ trợ chúng ta nhiều. Điều chúng ta cần phải nhìn nhận là trong vấn đề Hoàng Sa chúng ta phải dựa vào chính mình hơn cả so với trong những tranh chấp biển đảo khác.
Dựa vào chính mình không thể là dựa vào ngư dân kiên trì bám biển Hoàng Sa. Ngư dân và gia đình của họ là những con người bằng da bằng thịt. Dù dũng cảm đến bao nhiêu, họ khó có thể chịu đựng mãi tình trạng tàu thép và đạn đồng Trung Quốc đè người. Có thể một ngày nào đó họ sẽ không còn bám biển Hoàng Sa nổi nữa.
Dựa vào chính mình là mỗi người chúng ta, từ cá nhân đến nhân viên nhà nước và lãnh đạo cao nhất, phải làm điều đúng và đúng với nghĩa vụ của mình để làm cho đất nước tốt hơn. Đất nước càng tốt thì khả năng đấu tranh cho Hoàng Sa càng cao. Chúng ta không quên rằng việc Trung Quốc chiếm nhóm An Vĩnh, Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa, cũng như một số đảo của quần đảo Trường Sa, đã xảy ra trong những ngày tháng khó khăn của Việt Nam.
Dựa vào chính mình cũng là nhà nước và người dân quan tâm phải làm những gì cần thiết và có thể trong những gì liên quan trực tiếp đến Hoàng Sa.
Ý chí và kiến thức
Điều cần thiết để chúng ta bảo vệ chủ quyền Việt Nam, cần thiết cho danh dự của mỗi người chúng ta, cũng như cho nghĩa vụ vủa chúng ta với các thế hệ trong tương lai, là ý chí, kiến thức và những hành động cần thiết.
Về ý chí, chúng ta phải giữ vững ý chí của mình, và phải giáo dục cho thế hệ sau giữ vững ý chí của họ. Chúng ta cần phải xây dựng một ý chí quốc gia về Hoàng Sa. Thế nhưng có lẽ trong 40 năm qua Hoàng Sa vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong nền giáo dục, tâm thức của chúng ta. Nếu chúng ta quan niệm rằng 40, 60 hay 100 năm là quá lâu thì chúng ta có thể noi gương những dân tộc khác vẫn giữ vững ý chí của họ về đòi lại lãnh thổ, dù là sau hàng trăm năm.
Kiến thức về lịch sử và địa lý Hoàng Sa sẽ làm cho Hoàng Sa gần gũi với chúng ta hơn, và sẽ giúp cho chúng ta giữ vững ý chí. Chúng ta sẽ thấy Hoàng Sa không phải là những đảo xa vô nghĩa mà là những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với xương máu của tổ tiên và thế hệ cha, anh.
Kiến thức pháp lý sẽ là cần thiết để chúng ta tranh biện về Hoàng Sa trên các diễn đàn học thuật, chuyên gia và truyền thông quốc tế, và hy vọng một ngày nào đó sẽ là trước một tòa án quốc tế. Chúng ta không nên chủ quan rằng thế giới sẽ thấy một cách dễ ràng rằng chính nghĩa là thuộc về ta, mà chúng ta phải xây dựng khả năng tranh biện ở mức cao nhất, và phải bỏ công sức ra để tranh thủ dư luận. Đặc biệt, chúng ta phải xử lý một cách triệt để những nghi vấn phía đối phương có thể đặt ra cho lập luận của chúng ta. Như một thí dụ, việc Pháp tạm im lặng một thời gian khi tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn phái Lý Chuẩn đem pháo thuyền đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền năm 1909 có ảnh hưởng gì đến chủ quyền Việt Nam hay không? Hay là, khi Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại thì chính thể đó có phải là một chủ thể trong luật quốc tế có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, và bao gồm cả đối với Hoàng Sa, hay không?
Làm đúng với nhiệm vụ và biến sự quan tâm thành công việc
Về mặt đối nội thì nhà nước cần có chính sách để xây dựng ý chí, kiến thức và khả năng tranh biện, tranh thủ dư luận quốc tế. Về mặt đối ngoại thì nhà nước cần có chính sách hiệu nghiệm để duy trì chủ quyền và giữ cho thế giới không quên rằng Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, để cho thế giới không ứng xử như thể Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Tuy Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ các đảo 40 năm, họ chỉ mới bắt đầu tiến hành siết chặt sự kiểm soát trong vùng biển lân cận từ năm 2009. Trong những năm tới, họ sẽ tiếp tục siết chặt thêm sự kiểm soát và mở rộng vùng họ kiểm soát như vết dầu loang. Điều đó có nghĩa nhiệm vụ của chúng ta đối với Hoàng Sa không chỉ là duy trì chủ quyền để một này nào đó có thể giành lại sự quản lý đã mất trên đảo, mà còn là đấu tranh để chống lại nỗ lực của Trung Quốc để siết chặt và bành trướng sự kiểm soát trên biển.
Dựa vào chính mình cũng là dùng những phương tiện mình có. Như một thí dụ, vì Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa đến các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Việt Nam nên công khai yêu cầu Trung Quốc ra tòa. Mặc dù chắc chắn Trung Quốc sẽ không chấp nhận ra tòa, việc đó cũng làm cho thế giới thấy họ sợ lẽ phải và dựa vào bạo lực. Nếu Trung Quốc thật sự tin rằng không tồn tại tranh chấp Hoàng Sa, họ cần dũng cảm để cho tòa xét có tồn tại tranh chấp hay không.
Đối với các cá nhân thì người quan tâm nên vừa đặt vấn đề nhà nước có thể làm gì cho Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, vừa đặt vấn đề bản thân mình có thể làm gì. Nhà nước thi hành đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Hoàng Sa là cần thiết, nhưng không đủ. Sự quan tâm của người dân là cần thiết, nhưng không đủ. Nói cho nhau nghe Hoàng Sa là của Việt Nam là cần thiết nhưng không đủ. Phải có đủ người quan tâm biến sự quan tâm của mình thành sự sáng tạo, công sức, hành động, hay thành những đóng góp khác cho tranh chấp Hoàng Sa, nhất là trên trường quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc đã xâm chiếm một phần của Hoàng Sa khoảng 60 năm, và phần còn lại 40 năm, mặc dù việc giành lại Hoàng Sa là rất khó khăn, hiện nay người duy nhất có thể làm cho chúng ta mất chủ quyền là chính chúng ta. Và chúng ta phải giữ vững ý chí và duy trì chủ quyền đó bằng kiến thức và hành động, bằng cách làm đúng với nhiệm vụ của mình, và bằng cách biến sự quan tâm thành đóng góp thiết thực.
Trong trận hải chiến Trafalgar, khi hạm đội Anh đối đầu với hạm đội phối hợp Pháp - Tây Ban Nha mạnh hơn, đô đốc Anh Horatio Nelson đã giăng lên soái hạm một khẩu hiệu không lời hay chữ đẹp, chỉ với câu “Nước Anh mong đợi mỗi người sẽ làm nhiệm vụ của mình”. Trong bối cảnh tranh chấp Hoàng Sa nói riêng, và bối cảnh của đất nước nói chung, Việt Nam cần mỗi người chúng ta làm đúng với nhiệm vụ và sự quan tâm của mình để cho đất nước tốt hơn, cũng như về những gì liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển đảo.
Dương Danh HuyQuỹ Nghiên cứu Biển Đông