Trong trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974, phía Việt Nam Cộng Hòa có 4 tàu chiến, đối đầu với 6 chiến hạm của Trung Quốc.
Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) là tàu chiến hiện đại nhất bên phía Việt Nam Cộng Hòa |
Sau khi Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp cụm An Vĩnh và đảo Linh Côn ở phía đông bắc và đông quần đảo Hoàng Sa từ thập niên 1950, Việt Nam Cộng Hòa vẫn duy trì hoạt động thực thi chủ quyền thường trực tại cụm Lưỡi Liềm ở miệt tây nam cũng như đảo Tri Tôn, các bãi cát, đảo nhỏ khác. Vào thời điểm tháng 1.1974, trên đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí trung tâm nhóm Lưỡi Liềm có một đơn vị địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trấn đóng, cùng với một vài nhân viên khí tượng, hải dương. Đến khi Trung Quốc ngạo ngược mạo xưng chủ quyền vào ngày 11.1.1974 cũng như gia tăng tàu chiến và tàu cá chở quân nhân tới cụm Lưỡi Liềm, Việt Nam Cộng Hòa điều lần lượt 4 tàu chiến ra bảo vệ Hoàng Sa.
Đầu tiên là tàu HQ-16, ra tới Hoàng Sa vào sáng 16.1; tiếp theo là tàu HQ-4 đến nơi vào xế trưa 17.1, mang theo một trung đội Biệt hải (thuộc Sở vòng vệ Duyên hải, đóng tại Đà Nẵng). Ngày 18.1, tàu HQ-5 chở theo một đại đội Hải kích (tức lực lượng người nhái thuộc Hải quân) và tàu HQ-10 ra đến Hoàng Sa.
Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa
Như vậy, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa trước trận hải chiến có 4 tàu vũ trang, với các trang bị, tính năng cụ thể như sau:
Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) nguyên là tàu USS Castle Rock biên chế cho Hải quân Mỹ vào năm 1944, sau đó chuyển qua cho Tuần duyên nước này và rồi bàn giao cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1971. Tàu dài 94,72 m, rộng 12,52 m, độ choán nước 1.766 tấn (tối đa là 2.800 tấn), vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ (34 km/giờ). Vũ khí gồm: 1 pháo 127 ly trước mũi; 1 pháo 40 ly đôi ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly; 2 khẩu 40 ly hai bên hông và 2 khẩu 20 ly hai bên hông đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn khoảng 200 người.
Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) nguyên là tàu USS Chicoteague của Hải quân Mỹ, hạ thủy năm 1942, sau đó chuyển giao cho Tuần duyên Mỹ rồi chuyển cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1972. Tàu có đặc tính tương tự HQ-5.
Chiếc Kronstadt số hiệu 274 của Trung Quốc tham gia Hải chiến Hoàng Sa |
Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) là tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. HQ-4 trước đây vốn là tàu hộ tống USS Forster bắt đầu được biên chế vào Hải quân Mỹ năm 1944. Đến năm 1951 nó được chuyển cho Tuần duyên Mỹ và năm 1971 thì bàn giao cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Tàu dài 93 m, rộng 11,15 m, có độ choán nước 1.590 tấn; vận tốc 22 hải lý/giờ (39 km/giờ); tàu có tầm hoạt động 16.900 km khi chạy ở tốc độ tiết kiệm 22 km/giờ. Trang bị của HQ-4 gồm có 2 pháo 76 ly, một số súng 20 ly. Khi chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa, một số trang bị của tàu được thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ mới. Theo ông Lữ Công Bảy, Hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành hàng hải kiêm trưởng khối hành quân trên tàu HQ-4, hệ thống hải pháo 76 ly của tàu được điều khiển (nạp đạn và bắn) bằng điện. Thủy thủ đoàn gồm 170 người.
Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) vốn là tàu quét mìn USS Serene (AM-300) của Hải quân Mỹ, được hạ thủy vào năm 1943 và chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa năm 1964. Tàu dài 56,24 m, rộng 10 m, độ choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 hải lý/giờ (26 km/giờ). Tàu có 1 pháo 76 ly ở phía mũi, 2 súng 40 ly hai bên hông, 4 súng 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy.
Phía Việt Nam Cộng Hòa cũng chuẩn bị một lực lượng dự bị gồm tuần dương hạm Trần Quốc Toản (HQ-6) và hộ tống hạm Chí Linh (HQ-11). Có thông tin là các phi đoàn phản lực F-5 và A-37 được lệnh trực chiến ở Đà Nẵng để thực hiện chiến dịch yểm trợ trên không.
Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là cách gọi các loại tàu chiến dưới thời Việt Nam Cộng Hòa khá đặc biệt. Tuần dương hạm là loại tàu lớn nhất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thực ra là tàu cũ của Mỹ, có độ choán nước khá nhỏ và khả năng đại dương, hỏa lực hữu hạn, khác với khái niệm “tuần dương hạm” (cruiser) phổ biến của thế giới, vốn chỉ loại tàu chiến có choán nước trên 9.000 tấn và hỏa lực cực mạnh.
Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) là soái hạm bên phía Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh: Tư liệu |
Lực lượng xâm lược của Trung Quốc
Sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho biết phía Trung Quốc có tổng cộng 11 tàu các loại, trong đó có hai tàu săn ngầm Kronstadt mang số 271 và 274; 2 chiếc tàu rà mìn T-43 mang số 389 và 396 là có hỏa lực đáng kể. Các tàu còn lại là tàu chở quân hoặc tàu cá được vũ trang. Cuối trận hải chiến, Trung Quốc còn điều thêm hai tàu Kronstadt (281 và 282) nữa.
Tàu hộ tống săn ngầm Kronstadt do Liên Xô sản xuất, kích thước tiêu chuẩn: dài 52 m, rộng 6,5 m, choán nước tối đa 380 tấn và vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ (39 km/giờ). Tàu được trang bị 1 pháo 100 ly ở sân trước và 2 súng 37 ly ở sân sau, 2 giàn bom lặn chống ngầm và 2 giàn thả mìn. Thủy thủ đoàn chừng 60 người.
Tàu rà mìn T-43 cũng do Liên Xô sản xuất, với kích thước chuẩn: dài 58 m, rộng 6,1 m, choán nước tối đa 610 tấn và vận tốc tối đa 17 hải lý/giờ (27 km/giờ). Tàu được trang bị pháo 85 ly.
Bên cạnh đó, theo một số nguồn thông tin chưa kiểm chứng, Trung Quốc còn có lực lượng dự phòng gồm 4 xuồng tên lửa cao tốc lớp Komar do Liên Xô sản xuất; một số tàu khu trục, săn ngầm và một số lượng khá lớn máy bay MiG đóng tại đảo Hải Nam. Về khả năng Trung Quốc điều tàu tên lửa và cho máy bay không kích cụm đảo Lưỡi Liềm thì Thanh Niên Online sẽ có bài viết riêng. Ở đây, chúng tôi chỉ tạm đưa ra những thông tin chưa thể xác minh về lực lượng dự bị để bạn đọc tham khảo.
Tương quan
Theo đánh giá của những người trong cuộc, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa có vẻ nhỉnh hơn về mặt “tàu to súng lớn”. Cụ thể, các tuần dương hạm HQ-5 và HQ-16 có đại bác 127 ly, trong khi súng pháo lớn nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 100 ly. Tàu của Việt Nam Cộng Hòa lớn hơn nhiều so với tàu của đối phương, do đó có sức chịu đựng lớn hơn. Tàu hộ tống Nhật Tảo (HQ-10), chiếc có hỏa lực yếu nhất và là chiếc nhỏ nhất của phía Việt Nam Cộng Hòa, khi đem so sánh với tàu Trung Quốc thì cũng đã tương đương, chỉ kém về tốc độ.
Về quân số binh sĩ, có vẻ như phía Trung Quốc chiếm ưu thế, vì họ có một số tàu cá chở quân nhân, tàu chở quân. Lực lượng dự phòng của họ cũng có thể được tăng cường từ cụm đảo An Vĩnh, cách cụm Lưỡi Liềm vài chục hải lý. Tài liệu CIA mới được giải mật gần đây cho biết vào thời điểm trước trận hải chiến, Mỹ đã phát hiện Trung Quốc có hoạt động xây dựng hạ tầng ở đảo Phú Lâm thuộc cụm An Vĩnh.
Theo cuốn Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San (cựu hạm trưởng HQ-4) và Trần Đỗ Cẩm, trong một trận hải chiến khi đôi bên gần nhau, cỡ súng lớn chưa chắc đã chiếm được lợi thế vì không tận dụng được tầm bắn xa, hơn nữa nhịp bắn lại chậm. Phần các chiến hạm Trung Quốc có vận tốc cao lại nhỏ nhẹ dễ vận chuyển nên chiếm được ưu thế trong lúc cận chiến, đặc biệt là trong một khu vực có nhiều đá ngầm, bãi cạn như Hoàng Sa. Các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa không những vừa to, cao lại xoay trở tương đối chậm nên là mục tiêu rất dễ dàng cho địch thủ nhắm bắn.
Theo tác giả Trần Đỗ Cẩm, do các chiến hạm Trung Quốc nằm rất thấp gần sát mặt nước nên rất khó bắn trúng. Trong khi các khẩu hải pháo Việt Nam Cộng Hòa nằm trên cao nên xoay trở rất khó khăn, có khi phải hạ cao độ xuống dưới đường chân trời mới có thể nhắm trúng mục tiêu nằm gần. Các chiến hạm Trung Quốc thấp hơn nên dễ dàng nâng cao độ của đại bác chừng dăm ba độ là đã có thể tác xạ hữu hiệu.
“So sánh những sở trường và sở đoản của từng loại chiến hạm, trong trận hải chiến một chọi một tại Hoàng Sa, lực lượng đôi bên có vẻ tương đồng, việc hơn thua phần lớn sẽ do các cấp chỉ huy và tinh thần của thủy thủ đoàn quyết định. Tuy nhiên, kể về lực lượng trừ bị ứng chiến, phía Trung Cộng chiếm ưu thế tuyệt đối, nhất là về mặt không yểm”, theo Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa.
Châu Minh Linh